Hỗ trợ cộng đồng

Khoa Dược  »  Nghiên cứu khoa học  »  Hỗ trợ cộng đồng


Sử dụng dược liệu trong điều trị một số bệnh lý thần kinh

 

PHẦN 1 

DƯỢC LIỆU VÀ BỆNH TRẦM CẢM

Rối loạn trầm cảm hay MDD (Major depressive disorder), gọi tắt là trầm cảm (TC) hay trầm cảm đơn cực là tình trạng bệnh lý liên quan đến tâm trạng chán nản, giảm hứng thú kèm theo ít nhất bốn triệu chứng bổ sung khác (ví dụ: cân nặng hoặc cảm giác thèm ăn thay đổi, mệt mỏi, kích động tâm lý, mất ngủ hoặc ngủ nhiều quá mức, thiếu tập trung, có ý định tự tử, cảm giác vô giá trị hoặc tội lỗi, và suy giảm ham muốn tình dục theo định nghĩa của APA, 2013). Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ước tính có khoảng 322 triệu người mắc bệnh TC, tăng hơn 18% trong 10 năm kể từ năm 2005, khiến TC trở thành nguyên nhân hàng đầu gây ra suy giảm sức khỏe và khuyết tật trên toàn thế giới (WHO, 2017). 

Hiên nay, có nhiều nghiên cứu về hiệu quả của các thảo dược trên bệnh TC được thực hiện, ví dụ: St John's wort, nhụy hoa nghệ tây, nghệ…

1. Nghệ tây (saffron)

 

Hoa nghệ tây (tên khoa học là Crocus sativus Iridaceae) hay saffron là dược liệu có nguồn gốc từ Ba Tư (Iran-Iraq ngày nay). Trong lịch sử, saffron được sử dụng để cải thiện các bệnh tâm thể trong y học cổ truyền Ba Tư. Nhụy hoa nghệ tây chứa khoảng 40-50 chất, gồm khoảng 30% crocin, 5–15% picrocrocin, và hơn 5% là các hợp chất dễ bay hơi như safranal (Schmidt và cộng sự, 2007). Một số nghiên cứu cho thấy, dịch chiết ethanol của saffron gồm: safranal, crocin, có tác dụng chống trầm cảm, giải lo âu trên các mô hình thử nghiệm trên động vật (Hosseinzadeh & Noraei, 2009). Cơ chế chống trầm cảm là ức chế tái hấp thu dopamin và norepinephrin đối với crocin; và ức chế tái hấp thu serotonin đối với safranal (Schmidt và cộng sự, 2007). Ngoài ra, các tác động chống viêm và tạo miễn dịch được ghi nhận trên các mô hình thử nghiệm in vivo (Chiavaroli và cộng sự, 2017).

Đối với các thử nghiệm lâm sàng (TNLS) trên người, một nghiên cứu phân tích tổng hợp về các TNLS kiểm tra tác động của saffron trong cải thiện các triệu chứng trầm cảm được tiến hành vào năm 2013. Khảo sát được tiến hành trên đối tượng người lớn (từ 18 tuổi trở lên) có các triệu chứng trầm cảm, với hai nghiên cứu có nhóm chứng là giả dược và ba nghiên cứu có nhóm chứng là thuốc chống trầm cảm. Kết quả phân tích cho thấy nhóm điều trị bằng saffron có hiệu quả cải thiện đáng kể trong điều trị các triệu chứng trầm cảm khi so với các nhóm chứng giả dược và hiệu quả tương đương với các nhóm chứng dùng thuốc chống trầm cảm cho thấy tiềm năng cả hai phương pháp điều trị này đều có hiệu quả tương tự trong cải thiện tình trạng TC. Về mặt chất lượng, nghiên cứu này có cỡ mẫu khảo sát tương đối lớn và chất lượng nghiên cứu khá tốt với điểm trung bình Jadad là 5. Tuy nhiên, các tác giả khuyên rằng, cần các thử nghiệm lâm sàng lớn hơn với thời gian dài hơn, được thực hiện bởi các nhóm nghiên cứu ngoài Iran, nhằm chứng minh hiệu quả của nhụy hoa huệ tây trong điều trị TC (Hausenblas và cộng sự, 2013).

Một TNLS mù đôi trong 12 tuần với cỡ mẫu nhỏ (n = 60) cho thấy sử dụng 50 mg nghệ tây mỗi ngày có hiệu quả đáng kể trong cải thiện tâm trạng và giảm lo lắng so với nhóm giả dược (Mazidi và cộng sự, 2016). TNLS mù đôi trong 6 tuần với cỡ mẫu nhỏ (n = 40) cũng cho thấy nghệ tây (30 mg mỗi ngày) tương đương với thuốc chống trầm cảm fluoxetin trong cải thiện trầm cảm ở các bệnh nhân được can thiệp mạch vành qua da (Shahmansouri và cộng sự, 2014); một TNLS nhỏ khác (n = 40) trong 4 tuần được tiến hành cho thấy khi kết hợp saffron (30 mg mỗi ngày) với fluoxetin hiệu quả không khác biệt so với nhóm giả dược (Sahraian và cộng sự, 2016).

Mặc dù có những bằng chứng đáng khích lệ, tuy nhiên thời gian nghiên cứu hạn chế (4 đến 6 tuần), cỡ mẫu nhỏ (30–60 bệnh nhân), và sự thiếu hụt của các nghiên cứu phương Tây đã hạn chế sự tin cậy của các kết quả nghiên cứu. Ngoài ra, chi phí khá đắt đỏ cũng là một rào cản trong việc đưa saffron vào điều trị lâm sàng, kể cả khi trộn lẫn nhụy hoa với các bộ phận khác của cây.

2. Nghệ

Nghệ (tên khoa học Curcuma longa Zingiberaceae) là gia vị nấu ăn thông thường, ngoài ra nó còn được sử dụng trong y học cổ truyền Ấn Độ và Trung Quốc trong nhiều thế kỷ để điều trị một số bệnh (Kunnumakkara và cộng sự, 2017). Thành phần dược tính chính của nghệ là curcumin (Al ‐ Karawi và cộng sự, 2016), là chất có hoạt tính kháng viêm, chống oxy hóa, bảo vệ thần kinh và điều hòa monoaminergic (Kunnumakkara và cộng sự, 2017). Khi tình trạng viêm được chứng minh là một yếu tố gây bệnh trên đối tượng bị trầm cảm (Berk và cộng sự, 2013), nghệ được sử dụng như một chất kháng viêm (tuy nhiên curcumin có sinh khả dụng kém). Một phân tích tổng hợp vào năm 2017 của Ng, Koh, Chan và Ho (2017) bao gồm sáu TNLS với thời gian từ 4 đến 8 tuần trên 377 bệnh nhân trầm cảm, nhằm so sánh hiệu quả điều trị giữa nghệ hoặc curcumin với giả dược ghi nhận tác dụng giảm các triệu chứng trầm cảm đáng kể cũng như tác dụng chống lo âu. Ngoài ra, một TNLS trong 6 tuần trên 108 nam giới trưởng thành ở Trung Quốc, so sánh việc sử dụng 1.000 mg curcumin mỗi ngày so với giả dược escitalopram. Kết quả ghi nhận sự cải thiện đáng kể của nhóm dùng nghệ thể hiện thông qua thang đánh giá mức độ trầm cảm Hamilton (HAM ‐ D) và thang đánh giá trầm cảm Montgomery – Asberg (MADRS) vượt trội so với nhóm giả dược (Yu và cộng sự, 2015). Điều thú vị là curcumin làm giảm các cytokin gây viêm (IL- 1β và TNF α) và cortisol trong nước bọt. Một TNLS mù đôi 4 nhóm so sánh gồm nhóm sử dụng chế phẩm chứa chiết xuất curcumin liều thấp (250 mg hai lần mỗi ngày), curcumin liều cao (500 mg hai lần mỗi ngày), nhóm kết hợp curcumin liều thấp và saffron (15 mg hai lần mỗi ngày), và nhóm giả dược, trong 12 tuần trên 123 bệnh nhân trầm cảm (Lopresti & Drummond, 2017). Kết quả cho thấy các nhóm sử dụng curcumin cải thiện điểm trầm cảm, lo lắng tốt hơn giả dược và không có sự khác biệt về hiệu quả giữa các liều lượng khác nhau của curcumin hoặc nhóm kết hợp curcumin/saffron.

3. Cây Ban Âu (St John's wort)

Các ngọn hoa của St John's wort (SJW - cây Ban Âu - tên khoa học Hypericum perforatum Hypericaceae) được sử dụng trong y học cổ truyền Châu Âu để điều trị nhiều bệnh lý rối loạn hệ thần kinh, trong đó có TC. Cơ chế chống trầm cảm của SJW liên quan đến sự ức chế không chọn lọc sự tái hấp thu của serotonin, dopamin, norepinephrin, axit gamma‐aminobutyric (GABA), và L-glutamat, làm giảm sự suy thoái của các chất hóa học thần kinh, kích thích liên kết với các thụ thể khác nhau (ví dụ: GABA, glutamat và adenosin; Butterweck, 2003; Mennini & Gobbi, 2004; Zanoli, 2004). Các nghiên cứu trên người cũng chỉ ra rằng SJW điều chỉnh nồng độ cortisol trong nước bọt và huyết thanh, và nồng độ hormon tăng trưởng (Franklin và cộng sự, 2006). Thành phần hóa học của SJW gồm hyperforin, hypericin và các flavonoid khác có vai trò trong quá trình điều hòa thần kinh (Zanoli, 2004). Nhiều nghiên cứu cho thấy các chất trong dược liệu cùng có vai trò trong hiệu quả điều trị (Williamson, 2001), ví dụ loại bỏ rutin (một flavonoid trong SJW), làm giảm hiệu quả chống trầm cảm (Wurglics và cộng sự, 2006). Tuy nhiên, cần tiêu chuẩn hóa dược liệu để phát huy tác dụng chống trầm cảm và nghiên cứu thêm về sự tương quan giữa dữ liệu tiền lâm sàng và dữ liệu lâm sàng trên người (vì một số thành phần của SJW không qua hàng rào máu não hoặc liều tác động trên in vitro ở mức rất cao khi áp dụng cho cơ thể người; Cott, 2010). Một phân tích tổng hợp của Cochrane năm 2008 về SJW (Linde và cộng sự, 2008) cho thấy tín hiệu tích cực từ 18 nghiên cứu có hiệu quả cao hơn của SJW so với giả dược và hiệu quả SJW tương đương với các thuốc ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRI). Một phân tích tổng hợp khác được tiến hành cùng thời điểm bởi Rahimi và cộng sự (2009) cũng cho thấy hiệu quả của SJW cao hơn giả dược dù sự khác biệt tương đối ít. Khi so sánh với SSRI cho thấy SJW có hiệu quả khác biệt không đáng kể thông qua giảm điểm trung bình HAM‐D. Tuy nhiên, do kết quả một số TNLS khác (Hypericum 2002; Sarris và cộng sự, 2012) chỉ ra rằng SJW không hiệu quả hơn giả dược (mặc dù hiệu quả cao hơn một chút so với sertralin), nên SJW chỉ được đề xuất cho điều trị trầm cảm nhẹ đến trung bình, do lo ngại hiệu quả trong điều trị TC nặng (Clement và cộng sự, 2006). Dù vậy, sự lo lắng này có thể không có cơ sở do có TNLS năm 2005 trong 6 tuần (n = 251) so sánh nhóm dùng liều SJW (900 mg/ngày) với nhóm dùng paroxetin (20 mg/ngày) và nhóm giả dược trong trường hợp trầm cảm trung bình đến nặng (HAM ‐ D ≥ 22) đã chứng minh tính ưu việt trong điều trị của SJW (Szegedi, 2005). Đáng lưu ý, có rất ít bằng chứng về tính hiệu quả và an toàn của SJW trong điều trị trên thanh thiếu niên mắc chứng TC dù có một số kết quả đầy hứa hẹn nhưng không thể khẳng định chắc chắn từ những dữ liệu này. SJW có tính an toàn cao, một nghiên cứu chỉ ra rằng mức độ tác dụng phụ ở 35.562 bệnh nhân là 0-5,7% tương đương với nhóm giả dược (Knuppel & Linde, 2004). Ngoài ra, trong một đánh giá về 16 nghiên cứu (n = 34.834: Schulz, 2006), SJW được coi là an toàn hơn 10 lần so với thuốc chống trầm cảm tổng hợp (tỷ lệ mắc tác dụng phụ từ 0,1% đến 2,4%). Ngoại trừ phản ứng đặc trưng hiếm gặp, hầu hết các tác dụng phụ xảy ra trên da, hệ tiêu hóa hoặc hội chứng serotonin (Knuppel & Linde, 2004). Vấn đề chính đối với việc kê đơn SJW là lo ngại về tương tác thuốc tiềm ẩn, bao gồm nguy cơ làm giảm nồng độ trong huyết thanh của nhiều loại thuốc do cảm ứng hệ enzyme gan. Bởi vì hyperforin làm tăng biểu hiện của thụ thể Pregnane X, làm tăng biểu hiện P‐glycoprotein (Dresser và cộng sự, 2003). Lưu ý rằng các chế phẩm hyperforin liều thấp (<4 mg hyperforin) có thể không ảnh hưởng đến sự biểu hiện P-glycoprotein và do đó có tính an toàn cao hơn (Mueller và cộng sự, 2006).

KẾT LUẬN

Mặc dù có những kết quả tích cực trong cải thiện triệu chứng và tình trạng trầm cảm cũng như có nhiều thông tin tốt về tính an toàn, nhưng việc giới hạn về số lượng nghiên cứu, cỡ mẫu cũng như tính đa trung tâm nên việc sử dụng các dược liệu này hiện nay vẫn còn rất hạn chế, đa phần được dùng như một thực phẩm chức năng. Chính vì lý do đó, cần có nhiều nghiên cứu TNLS đa trung tâm với cỡ mẫu đủ lớn nhằm thực tiễn hóa việc áp dụng các dược liệu này vào quá trình điều trị thực tế.

(Bài viết lược dịch và tóm tắt từ Review “Herbal medicines in the treatment of psychiatric disorders:10‐year updated review Tạp chí Phytotherapy Research. (2018); trang 1–16).

Nhóm Anh Văn Khoa Dược

KD.AT


 


  • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
  • Điện thoại: 0251 3952 778
  • Email: lachong@lhu.edu.vn
  • © 2023 Đại học Lạc Hồng
  92,915       1/858