Khởi nghiệp hiện đang nhận được sự quan tâm của sinh viên ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học. Ý tưởng kinh doanh bắt nguồn từ đam mê, hoài bão dưới sự dìu dắt của thầy cô và đồng hành từ bạn bè, dần dần Start-up được hình thành. Bắt đầu khởi nghiệp trên giảng đường đại học đang là xu thế lựa chọn của nhiều sinh viên Việt Nam, đặc biệt từ khi Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2015 (1665) thì phong trào khởi nghiệp của sinh viên có bước phát triển mạnh mẽ. Theo đó hàng trăm ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên bước ra khỏi cổng trường để đi vào cuộc sống, kết quả khởi đầu cũng gợi mở những bước đi phù hợp. Trong buổi tọa đàm với chủ đề “Khởi nghiệp từ giảng đường" của Đài truyền hình Đồng Nai, Trường Đại học Lạc Hồng vinh dự có TS. Nguyễn Văn Tân – Trưởng Khoa QT-KTQT và đại diện Trường Đại học Đồng Nai cùng nhau bàn luận sâu hơn về chủ đề của chương trình.
Theo phóng sự do Đài truyền hình Đồng Nai ghi lại thì: Trường đại học Lạc Hồng là một trong những đơn vị đi đầu trong phong trào khởi nghiệp của tỉnh Đồng Nai. Trường đã thành lập và đi vào hoạt động CLB Khởi nghiệp, từ đó đã mang về cho Nhà trường những thành tích đáng khen ngợi tại các cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc, khởi nghiệp khu vực phía Nam, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Đồng Nai,… Không chỉ dừng lại ở các cuộc thi, nhiều dự án đã đi vào thực tiễn và có doanh thu, nhằm xây dựng được thương hiệu của mình với sự hướng dẫn của những giảng viên, doanh nhân uy tín của Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam.
Cụ thể, Trường Đại học Lạc Hồng không những định hướng các bạn tham gia những chương trình khởi nghiệp tại trường mà còn mở rộng qua các cuộc thi của tỉnh, khu vực, quốc gia và gần đây nhất là giải thưởng của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với định hướng đó, một số kết quả mà Trường đã đạt được trong thời gian vừa qua như:
Để cụ thể hơn về cách thức hoạt động, hành trình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp tại Đại học Lạc Hồng, theo TS. Nguyễn Văn Tân: “Mục tiêu cuối cùng của sinh viên là ra trường có việc làm và có cơ hội làm việc. Khởi nghiệp giúp các một có một tư duy khác hơn – tự làm chủ, đó không còn là tư duy đi làm cho người khác mà tự vận hành dự án của mình. Cụ thể là giải nhất 2006, chị Nguyễn Ngọc Anh Thư vẫn duy trì dự án đến thời điểm hiện tại. Còn với trường hợp 5 bạn đạt giải nhất năm 2017, các bạn không duy trì dự án cũ nhưng mỗi bạn đều hình thành và tiếp tục với những dự án riêng của mình, đó là tín hiệu khá tốt sau khi ra trường. Bạn cựu sinh viên đạt giải nhất cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh Đồng Nai năm 2019 hiện đang điều hành doanh nghiệp của riêng mình. Hoặc trường hợp bạn cựu sinh viên mặc dù được Viện hàng không vũ trụ của Viettel tuyển thẳng vào làm nhưng trong tâm thế, tinh thần khởi nghiệp vẫn mong muốn tự mình làm chủ. Đó là cơ hội để các bạn có một chiều hướng tốt hơn bằng hành trang chuẩn bị từ khi ngồi ghế Nhà trường."
"Để hình thành nên hệ sinh thái khởi nghiệp tại Trường, Đại học Lạc Hồng ngay từ khi xây dựng chương trình, nội dung đào tạo, thực hiện theo Đề án 1665 thì tất cả sinh viên đều được học khởi nghiệp. Cụ thể tại LHU, các môn học liên quan đến khởi nghiệp được chia thành 3 môn để đào tạo chuyên sâu cho sinh viên. Để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp trong trường thì bắt buộc phải có Không gian làm việc chung. Nhà trường đã mạnh dạn đầu tư Không gian làm việc chung để ươm các dự án, tổ chức buổi talkshow mời doanh nghiệp đến trao đổi về kỹ năng, cũng là nơi trưng bày những sản phẩm của các bạn. Để vận hành được Không gian này, Trường đã tiến hành kết nối với Hội đồng tư vấn và hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam, Hội đồng Cố vấn khởi nghiệp quốc gia, hay Hội đồng Anh về chương trình khởi nghiệp đối với doanh nghiệp xã hội. Đặc biệt, trường thành lập câu lạc bộ Khởi nghiệp từ rất sớm, là nơi thực hiện tất cả các hoạt động về khởi nghiệp."
Ngoài ra, những chính sách hỗ trợ cho các bạn sinh viên khi khởi nghiệp cũng đóng vai trò rất lớn, có thể kể đến như đặc cách điểm tốt nghiệp, khen thưởng bằng giấy khen/hiện vật,... để động viên các bạn, giúp sinh viên giải quyết được bài toán làm sao vừa có thể đảm bảo việc học, vừa có thể hình thành và triển khai dự án khởi nghiệp của riêng mình.
Hi vọng với nền tảng và những thành công vượt bậc đó, trong tương lai cùng với những chính sách mới, Đại học Lạc Hồng tiếp tục mang về những bước tiến mới tiếp theo, mà đối tượng thụ hưởng chính là các bạn sinh viên LHU.
TS. Nguyễn Văn Tân và ThS. Ngô Thị Kim Anh
khởi nghiệp, sinh viên, quản trị