Tin tức

Kỷ niệm 110 Ngày sinh Tổng Bí thư Hà Huy Tập (24/4/1906 - 24/4/2016)

Tiểu sử tóm tắt

Đồng chí Hà Huy Tập sinh ngày 24/4/1906, trong gia đình nhà nho yêu nước tại làng Kim Nặc, tổng Thổ Ngọa, nay thuộc xã cẩm Hưng, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ là ông Hà Huy Tương, có đỗ đạt nhưng không ra làm quan mà ở quê dạy học và bốc thuốc giúp người. Thân mẫu là bà Nguyễn Thị Lộc, một nông dân chất phác, thương chồng, tần tảo nuôi con, cả cuộc đời gắn bó với đồng quê. Ông Hà Huy Tương và bà Nguyễn Thị Lộc sinh được 5 người con, Hà Huy Tập là con thứ ba trong gia đình.

Lúc đầu, Hà Huy Tập được cha mình dạy học tiếng Hán tại nhà, sau đó đi học và đỗ đầu kỳ thi tốt nghiệp trường tiểu học ở tổng Thổ Ngọa nhưng do gia cảnh khó khăn nên không được học tiếp. Từ tháng 9/1917, nhờ có người giúp đỡ, Hà Huy Tập được ra tỉnh lỵ Hà Tĩnh học Trường tiểu học Pháp - Việt. Năm 1919, Hà Huy Tập đỗ thủ khoa kỳ thi chọn học sinh xuất sắc do nhà trường tổ chức, được cấp học bổng, rồi vào học Trường Quốc học Huế. Năm 1923, tốt nghiệp Trường Quốc học Huế hạng ưu nhưng vì không có điều kiện học lên nữa nên đồng chí về vào làm giáo viên Trường tiểu học Pháp - Việt tại Nha Trang (Khánh Hòa). Trong thời gian này, đồng chí Hà Huy Tập tiếp xúc và đọc nhiều tài liệu, hiểu thêm về tội ác của thực dân Pháp, cuộc sống bần hàn của nhân dân lao động ở Việt Nam và Đông Dương.

Tháng 8/1926, đồng chí Hà Huy Tập chuyển về dạy học tại Trường Cao Xuân Dục ở Vinh, Nghệ An; tích cực hoạt động trong Hội Phục Việt (sau đổi tên thành Hội Hưng Nam), tích cực tuyên truyền tư tưởng chống chuyên chế và chống thực dân Pháp trong học sinh và tầng lớp lao động. Tháng 3-1927, đồng chí vào dạy học tại một trường tiểu học ở Gia Định, sau đó đến Bà Rịa làm công nhân, lập ra một chi bộ, một hội đọc sách báo và tổ chức các lớp học xóa mù cho công nhân.

Cuối tháng 12/1928, Hà Huy Tập cùng với một số đồng chí khác được cử đến Quảng Châu (Trung Quốc) bàn việc hợp nhất Tân Việt cách mạng Đảng với Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Từ tháng 7/1929 đến tháng 4/1932, đồng chí được cử đi học tại Trường Đại học phương Đông ở Mátxcơva (Liên Xô cũ). Khoảng tháng 6/1933, đồng chí Hà Huy Tập về Trung Quốc hoạt động cách mạng, tham gia Ban chỉ huy ở ngoài của Đảng Cộng sản Đông Dương; triển khai công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội lần thứ nhất của Đảng.

Giai đoạn tháng 7/1936 đến tháng 3/1938, những hoạt động cách mạng của đồng chí Hà Huy Tập với cương vị là Tổng Bí thư của Đảng. Từ Hội nghị lần thứ 3 (khóa I) Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 3/1938, đồng chí thôi giữ chức Tổng Bí thư, nhưng vẫn tham gia Thường vụ Trung ương.

Ngày 1/5/1938, trong khi đang đi công tác, Tổng Bí thư Hà Huy Tập bị địch bắt, sau đưa về giam tại Sài Gòn và Nghệ An. Ngày 28/8/1941, thực dân Pháp xử bắn đồng chí Hà Huy Tập. Đồng chí đã hy sinh anh dũng ở tuổi 35, để lại tấm gương kiên trung, bất khuất, hiến dâng trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta.

Những cống hiến to lớn của đồng chí Hà Huy Tập cho cách mạng Việt Nam

Với 35 tuổi đời, trải qua gần 16 năm hoạt động cách mạng, trong đó có gần hai năm giữ cương vị Tổng Bí thư của Đảng (tháng 7/1936 đến tháng 3/1938), với nhiều bí danh và tên gọi khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã có nhiều chủ trương, quyết sách cùng với tập thể Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo cách mạng nước ta vượt qua nhiều khó khăn, thử thách. Đồng chí Hà Huy Tập đã cống hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc ta, cụ thể là:

Một là, đồng chí Hà Huy Tập là một nhà lãnh đạo cách mạng tài năng của Đảng, không ngừng chăm lo xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức.

Đồng chí Hà Huy Tập là người chủ công xây dựng các văn kiện và chủ trì Đại hội Đảng năm 1935. Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 7/1936, đồng chí Hà Huy Tập được phân công về nước tổ chức lại Ban Chấp hành Trung ương và khôi phục tổ chức của Đảng. Ngay sau đó, đồng chí đã sáng suốt quyết định chuyển trụ sở của Đảng từ nước ngoài về xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định. Quyết định này có ý nghĩa quan trọng, tạo điều kiện trong việc đảm bảo sự lãnh đạo trực tiếp, thống nhất của Đảng từ Trung ương tới cơ sở, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của phong trào cách mạng lúc đó.

Tiếp đến, tại Bà Điểm - Hóc Môn - Gia Định, đồng chí liên tục chủ trì ba Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, đưa ra nhiều quyết sách quan trọng, đó là: 

1) Hội nghị tháng 3/1937, thống nhất các tổ chức Đảng ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ, xác định những chủ trương mới thúc đẩy phong trào cách mạng phát triển; 

2) Hội nghị tháng 9/1937 thông qua một số quyết định quan trọng về việc thành lập Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương, phát triển cơ sở đảng trong các thành thị và đồn điền, kết hợp các hình thức đấu tranh công khai và bán công khai... Nhờ vậy, chỉ trong một năm, Đảng ta từ chỗ bị địch khủng bố trắng đã thành lập lại Ban Chấp hành Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương; 

3) Hội nghị tháng 3/1938, phân tích thái độ của các đảng phái, các tổ chức chính trị ở Đông Dương, công tác quần chúng, công tác tổ chức và lãnh đạo của Đảng, quyết định đổi Mặt trận thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương thành Mặt trận thống nhất dân chủ Đông Dương.

Hai là, đồng chí Hà Huy Tập là một nhà lý luận sắc sảo, một cây bút chiến đấu trên mặt trận tư tưởng và chính trị của cách mạng Việt Nam, tổ chức và chỉ đạo xuất bản sách, báo, tạp chí của Đảng.

Qua thực tiễn trong phong trào cách mạng sôi động của giai cấp công nhân và toàn dân tộc, bằng trí tuệ nhạy cảm, sự nhạy bén chính trị và ngòi bút sắc bén, đồng chí Hà Huy Tập thể hiện là một nhà lý luận chính trị sắc sảo, giữ vị trí quan trọng trong hoạt động báo chí, xuất bản. Đồng chí Hà Huy Tập là người sáng lập, tổng biên tập của nhiều tờ báo, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đảng, tích cực nghiên cứu lịch sử Đảng. Ở tuổi 23, đồng chí đã hoàn thành cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào cộng sản ở Đông Dương, tổng kết sâu sắc thực tiễn cách mạng Việt Nam trong những năm đầu do Đảng lãnh đạo. Ngoài ra, đồng chí còn viết khoảng 25 tác phẩm khác.

Bằng ngòi bút đày tính chiến đấu dưới nhiều bút danh khác nhau, đồng chí Hà Huy Tập đã viết nhiều bài đăng báo kiên quyết vạch trần bộ mặt thật, phê phán quan điểm phản động của các phần tử Trôtxkít; tuyên truyền, kiên định bảo vệ quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin. Các tác phẩm Vì một Mặt trận nhân dân Đông Dương, Vì sao cần sự ủng hộ Mặt trận bình dân bên Pháp... của đồng chí là những tác phẩm lý luận chính trị của Đảng có giá trị, góp phần chỉ đạo cách mạng trong thời kỳ vận động dân chủ. Tư duy và sự nhạy bén chính trị của đồng chí Hà Huy Tập còn thể hiện ở quan điểm dân tộc, giai cấp, coi đây là một điều kiện cơ bản dẫn tới mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ba là, đồng chí Hà Huy Tập là một tấm gương của người chiến sĩ cộng sản anh dũng, kiên trung, bất khuất, chí công vô tư, hy sinh trọn đời vì nước, vì dân. 

Từ một trí thức yêu nước, đi theo con đường cách mạng và trở thành Tổng Bí thư của Đảng ở tuổi 30, đồng chí Hà Huy Tập đã tỏ rõ năng lực dự báo tình hình, nắm bắt thời cơ, tận dụng mọi điều kiện thuận lợi cùng với các cơ quan lãnh đạo của Đảng ta lý đó đưa ra những quyết sách phù hợp; đồng thời, trực tiếp chỉ đạo các hoạt động của Đảng, biến thời cơ thành hiện thực, dấy lên cao trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ, hòa bình và chống chiến tranh đế quốc ở nước ta những năm 1936-1939.

Trong hoạt động cách mạng, đồng chí đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ, chấp nhận mọi thử thách, sẵn sàng hy sinh vì lý tưởng cộng sản cao đẹp, vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Đối mặt với nhiều án tù của thực dân đế quốc, trong đó có án tử hình, thường xuyên bị kẻ thù rình rập, bao vây, khống chế cả về vật chất và tinh thần, thậm chí bị giam cầm, tra tấn dã man, nhưng đồng chí Hà Huy Tập vẫn kiên trung, bất khuất, giữ vững niềm tin và ý chí chiến đấu của người cộng sản. Đồng chí Hà Huy Tập đã anh dũng hy sinh trước mũi súng tàn bạo của kẻ thù ở tuổi 35 với lời nhắn gửi: “Hãy xem tôi như người còn sống” đã thể hiện niềm tin mãnh liệt, khát vọng cống hiến, chiến đấu cho lý tưởng cao cả của Đảng và dân tộc.

Cuộc đời hoạt động cách mạng oanh liệt của đồng chí Hà Huy Tập tuy ngắn ngủi, nhưng những đóng góp của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng ta và dân tộc ta là rất quan trọng và to lớn. Sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí đã để lại cho chúng ta bài học vô cùng quý giá về lý tưởng cộng sản, về tinh thần học tập, rèn luyện, phấn đấu không ngừng, về ý chí chiên đâu đến hơi thở cuối cùng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân. Tinh thần và sự nghiệp cách mạng vẻ vang của đồng chí Hà Huy Tập sống mãi cùng với Đảng, Tổ quốc và nhân dân ta.

Kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hà Huy Tập (24/4/1906-24/4/2016) là dịp để chúng ta ôn lại cuộc đời, tấm gương chiến đấu, hy sinh và những cống hiến to lớn của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Noi gương Tổng Bí thư Hà Huy Tập, phát huy tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức phấn đấu, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.

Đảng Ủy

Kỉ niệm, Đảng ủy


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        4,612,187       1/797