Hoạt động

Đồng Nai: Điểm đến tiềm năng mới của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu

Tại Việt Nam nói chung, Đồng Nai nói riêng, khái niệm ngành công nghiệp bán dẫn mới được nhắc đến trong thời gian gần đây.

Làn sóng đầu tư -  cơ hội vàng cho ngành công nghiệp "bộ não" của tương lai tại Đồng Nai

PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lạc Hồng (LHU) cho biết: Ngành công nghiệp bán dẫn là lĩnh vực sản xuất và phát triển các vật liệu và thiết bị bán dẫn – những thành phần quan trọng trong các thiết bị điện tử. Các thiết bị này là nền tảng cho mọi thiết bị công nghệ như điện thoại di động, máy tính, thiết bị y tế, xe ô tô thông minh, và hệ thống năng lượng tái tạo.

Các con chip bán dẫn đóng vai trò là "bộ não" của các thiết bị điện tử hiện đại. Bên trong một con chip chứa hàng tỷ bóng bán dẫn – các linh kiện siêu nhỏ có chức năng điều khiển dòng điện – giúp xử lý và truyền tải thông tin.

Thầy Quỳnh cho biết: "Tại Việt Nam và Đồng Nai, sự quan tâm đến ngành bán dẫn gần đây gia tăng mạnh mẽ nhờ sự phát triển của các công nghệ như trí tuệ nhân tạo, 5G, và Internet vạn vật (IoT), cũng như nhu cầu toàn cầu ngày càng lớn về vi mạch. Các cơ sở giáo dục như Đại học Lạc Hồng cũng đang tiên phong trong việc hợp tác quốc tế và xây dựng trung tâm thiết kế vi mạch bán dẫn để đáp ứng nhu cầu nhân lực kỹ thuật cao cho ngành này, đồng thời kết nối với các doanh nghiệp để mở rộng cơ hội việc làm và nghiên cứu cho sinh viên".

PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh chia sẻ tại một Hội nghị khoa học

"Ngành công nghiệp bán dẫn được coi là quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế hiện đại vì các vi mạch bán dẫn là thành phần cốt lõi trong hầu hết mọi công nghệ. Từ điện thoại thông minh, máy tính, xe điện, đến hệ thống y tế và các thiết bị tự động hóa sản xuất, tất cả đều cần đến vi mạch để hoạt động" - PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh giải thích thêm.

Theo thầy Quỳnh, vai trò của ngành này trong nền kinh tế hiện đại bao gồm các điểm sau:

Thứ nhất, thúc đẩy đổi mới công nghệ: Việc sản xuất vi mạch ngày càng tiên tiến giúp các thiết bị điện tử mạnh mẽ hơn, nhỏ gọn hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.

Thứ hai, tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm: Ngành công nghiệp bán dẫn tạo ra hàng triệu việc làm trên toàn cầu và thúc đẩy các ngành sản xuất liên quan.

Thứ ba, ngành bán dẫn còn kéo theo sự phát triển của nhiều ngành công nghiệp phụ trợ như sản xuất linh kiện, vật liệu bán dẫn, thiết bị sản xuất và đóng gói vi mạch. Điều này tạo thành một chuỗi cung ứng rộng lớn và kết nối các nền kinh tế toàn cầu, giúp các quốc gia có khả năng cạnh tranh mạnh hơn trên thị trường quốc tế.

PGS,TS Nguyễn Vũ Quỳnh tham gia buổi toạ đàm về lĩnh vực vi mạch trên đài TH Đồng Nai

Thứ tư, với vai trò then chốt trong quân sự và bảo mật, khả năng tự chủ trong sản xuất vi mạch bán dẫn là yếu tố quan trọng cho an ninh quốc gia. Do đó, nhiều quốc gia đã đầu tư lớn vào ngành này để giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, bảo đảm chủ quyền công nghệ.

Ngoài ra, công nghiệp bán dẫn không chỉ dừng lại ở điện tử tiêu dùng mà còn mở rộng sang y tế, giao thông, năng lượng và tự động hóa. Các ngành công nghiệp này cần các giải pháp công nghệ hiện đại và tiên tiến để nâng cao năng suất, hiệu quả và tối ưu hóa chi phí. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu và sự gia tăng về nhu cầu công nghệ cao, ngành công nghiệp bán dẫn không chỉ là nền tảng cho các thiết bị công nghệ mà còn là động lực phát triển kinh tế, giúp các quốc gia nâng cao vị thế và thúc đẩy sự bền vững cho tương lai.

Thách thức và giải pháp: Xây dựng hệ sinh thái bán dẫn bền vững tại Đồng Nai

Về tiềm năng cũng như cơ hội phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đồng Nai, Thầy Quỳnh nhận định: Đồng Nai có tiềm năng lớn để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn nhờ vị trí chiến lược, hạ tầng giao thông kết nối tốt, đặc biệt là dự án sân bay quốc tế Long Thành sắp đưa vào khai thác, sân bay lưỡng dụng Biên Hoà, các khu công nghiệp hiện đại.

Các cơ sở đào tạo tại địa phương, như Đại học Lạc Hồng, đang tích cực đào tạo nguồn nhân lực chuyên môn cao, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu nhân lực cho ngành này. Sự hợp tác với các tổ chức quốc tế cũng giúp tăng cường năng lực công nghệ và thúc đẩy chuyển giao tri thức, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp và sinh viên trong lĩnh vực bán dẫn.

Theo đánh giá của thầy Quỳnh, cơ hội và tiềm năng để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Đồng Nai là rất lớn, nhưng cũng nhiều thách thức, bao gồm:

Thiếu hụt nhân lực chất lượng cao: Mặc dù các trường đại học như Đại học Lạc Hồng đang tích cực đào tạo, nhưng nguồn nhân lực có kỹ năng chuyên sâu về bán dẫn vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu.

Đầu tư ban đầu lớn: Ngành bán dẫn yêu cầu công nghệ và thiết bị đắt đỏ, cùng các quy trình sản xuất phức tạp, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư cao mà không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng đáp ứng.

Cạnh tranh quốc tế: Việt Nam đang cạnh tranh với các quốc gia có ngành bán dẫn phát triển mạnh mẽ như Hàn Quốc, Nhật Bản, và Đài Loan, điều này gây áp lực cho các doanh nghiệp trong nước về mặt công nghệ và chi phí sản xuất.

Thiếu chuỗi cung ứng phụ trợ hoàn thiện: Để phát triển bền vững, Đồng Nai cần xây dựng một chuỗi cung ứng bán dẫn đủ mạnh, nhưng hiện tại hệ sinh thái công nghiệp phụ trợ và cơ sở vật chất còn nhiều hạn chế.

Những thách thức này đòi hỏi sự đầu tư dài hạn và chính sách hỗ trợ của chính quyền cũng như sự hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp quốc tế và các trường đại học nhằm đào tạo nhân lực và phát triển công nghệ.

Mời quý vị, độc giả xem thêm thông tin tại ĐÂY

Ra Khơi

công nghiệp bán dẫn; thiết bị bán dẫn; trí tuệ nhân tạo; LHU


      • Địa chỉ: Số 10, Huỳnh Văn Nghệ, P. Bửu Long, Tp. Biên Hòa - Tỉnh Đồng Nai
      • Điện thoại: 0251 3952 778
      • Email: lachong@lhu.edu.vn
      • © 2023 Đại học Lạc Hồng
        11,300,012       3/852